{Emagazine} Ninh Bình cần một cơ chế đặc thù để đảm đương tốt sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn di sản và biến di sản thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Tư, 23/08/2023

{Emagazine} Ninh Bình cần một cơ chế đặc thù để đảm đương tốt sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn di sản và biến di sản thành động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, việc xây dựng thương hiệu địa phương là một đòi hỏi bức thiết. Do vậy, tỉnh Ninh Bình sẽ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương". Để hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Hội thảo, Báo Ninh Bình đã trân trọng mời Tiến sĩ (TS) Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đồng Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo trao đổi về nội dung này.

 

BÁO NINH BÌNH: Thưa đồng chí, với góc độ là một nhà khoa học và là người đứng đầu cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của Việt Nam, đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò, vị trí của vấn đề phát huy bản sắc và Chiến lược xây dựng thương hiệu trong quá trình phát triển của mỗi địa phương? 

TS. PHAN CHÍ HIẾU: Bản sắc địa phương là những giá trị cốt lõi, những đặc trưng nổi trội và đặc sắc của địa phương mà có thể cảm nhận được rõ ràng, giúp phân biệt nơi này với nơi khác. Bản sắc địa phương là những đặc trưng để nhận diện một địa phương này so với các địa phương khác. Bản sắc của mỗi địa phương được hình thành từ những nguồn gốc khác nhau, một phần từ môi trường tự nhiên, còn phần lớn là do con người ở đó tạo ra trong quá trình sinh sống. Bản sắc của mỗi địa phương gồm nhiều nội dung cấu thành như: truyền thống lịch sử, văn hóa, trong đó yếu tố văn hóa giữ vai trò quan trọng.

Trong bối cảnh hiện nay, vị thế của đất nước và các giá trị văn hóa, giá trị thương hiệu của một quốc gia, của mỗi địa phương đã và đang trở thành nguồn tài nguyên, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững và thúc đẩy hội nhập quốc tế của quốc gia, của địa phương. Sức mạnh, nguồn tài nguyên văn hóa và cùng với đó là nhân tố văn hóa trong kinh tế là một trong ba trụ cột phát triển của đất nước. Văn hóa được coi là "hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc", đồng thời là "Sức mạnh mềm", góp phần củng cố vị thế đất nước, tăng cường năng lực quốc gia.

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư.

Trong chiến lược công nghiệp hóa, hội nhập quốc tế hiện nay thì xây dựng thương hiệu dựa trên các giá trị bản sắc của quốc gia, địa phương đã và đang được khẳng định trong cộng đồng thế giới, trong những mục tiêu dựng xây đất nước cường thịnh. Nhờ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo, của công nghệ số, chuyển đổi số... đã làm cho tài nguyên của một quốc gia, tiềm lực kinh tế của đất nước; bản sắc văn hóa của một dân tộc ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Xây dựng thương hiệu quốc gia/thương hiệu địa phương (bao gồm cả marketing và quảng bá cho địa phương) là bao trùm cả việc xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu khu vực và thương hiệu thành phố/đô thị. Đó là quá trình xây dựng, truyền thông hình ảnh địa phương đến các khu vực thị trường mục tiêu. Trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa và mạng lưới hóa của thế giới, mỗi địa phương đều phải cạnh tranh với các địa phương khác, bởi chúng ta đều phải cạnh tranh thu hút khách hàng, khách du lịch, các doanh nghiệp, vốn đầu tư, kỹ nghệ.

Thương hiệu địa phương là một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển địa phương nói chung và được cấu thành từ các nhóm nhân tố có tác động qua lại lẫn nhau bao gồm: lịch sử, văn hóa và truyền thống; các giá trị quốc gia (về điều kiện tự nhiên, dân số, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quan hệ quốc tế…), con người và năng lực điều hành của chính quyền địa phương. Tuy vậy, thương hiệu của một địa phương không tự nhiên mà có, mà phải xây dựng, phát triển, truyền bá, khẳng định và được thừa nhận. Do đó, cần phải có chiến lược bài bản để xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương, trong đó xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương thức, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

BÁO NINH BÌNH: Theo đồng chí, tỉnh Ninh Bình có những giá trị bản sắc nào là đặc thù, nổi trội, riêng có của địa phương? 

TS. PHAN CHÍ HIẾU: Qua các tài liệu, nghiên cứu đã công bố và cảm nhận của cá nhân, có thể thấy tỉnh Ninh Bình có nhiều lợi thế mang tính đặc thù, nổi trội, riêng có như sau: 

CLIP1

Thứ nhất, đặc thù về tài nguyên vị thế, vị trí địa - chính trị: Hoa Lư - Trường Yên xưa, Ninh Bình ngày nay có sự hợp tụ của cả 3 không gian: Không gian kinh tế văn hóa núi cao, Không gian kinh tế văn hóa châu thổ và Không gian kinh tế văn hóa biển. Đó là sự hội tụ của một phức thể các hệ sinh thái, tạo nên nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên vị thế. 

Đê biển Bình Minh 3 (Kim Sơn).

Theo cách tiếp cận không gian và trong tầm nhìn đối sánh giữa các không gian, thì Ninh Bình vừa là vùng địa đầu phía Nam của Bắc Bộ vừa là vùng đất gắn với miền Thanh - Nghệ, đồng thời có những đặc tính tự nhiên, nhân văn gần với vùng Tây Bắc. Ninh Bình vừa có lợi thế về liên kết vùng theo trục Bắc - Nam vừa có thế mạnh của liên kết Đông - Tây. Vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế đặc thù đó tạo cho vùng đất này những không gian mở. Ninh Bình có điều kiện tăng cường giao luư kinh tế - xã hội, văn hóa với không chỉ các tỉnh, thành phố nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực Duyên hải Bắc Bộ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn với các tỉnh và thành phố trong vùng Thủ đô Hà Nội, khu vực miền núi Tây Bắc; khu vực Bắc Trung Bộ. 

Thứ hai, Ninh Bình là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời: Là kinh đô của Việt Nam vào thế kỷ thứ X, là vùng đất gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý với nhiều dấu ấn lịch sử. 

Núi Non Nước (thành phố Ninh Bình).


Lễ hội Tràng An.

Thứ ba, Ninh Bình có hệ thống quần thể di tích đồ sộ trải rộng trên nhiều địa bàn, đơn vị hành chính. Ninh Bình hiện đã có 395 di tích được xếp hạng, gồm 1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An), 81 di tích xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là Cố đô Hoa Lư; khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Di tích núi Non Nước) và 314 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ninh Bình có 5 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia (Cột kinh phật chùa Nhất Trụ, Long sàng trước Nghi môn ngoại và Long sàng trước Bái đường Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ việt Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Bộ Phủ việt Đền thờ vua Lê Đại Hành). 

Cột kinh phật chùa Nhất Trụ.

Thứ tư, Ninh Bình có nhiều lợi thế đặc thù về giá trị tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Tỉnh Ninh Bình có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa hình rất đa dạng, với nhiều vùng sinh thái-xã hội và cảnh quan khác nhau như: vùng núi, trung du, đồng bằng và không gian biển; nhiều cảnh quan đẹp kết hợp giữa rừng - biển - đồng bằng, nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, hấp dẫn khách tham quan là điều kiện để Ninh Bình phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp và du lịch, dịch vụ toàn diện. Các Di sản thiên nhiên của tỉnh như: Khu Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận từ năm 2014, Rừng Quốc gia Cúc Phương, hệ sinh thái núi đá vôi xen lẫn đất ngập nước Vân Long, đất ngập nước ven biển Kim Sơn hàng năm mở rộng diện tích ra biển với đa dạng sinh học cao. Do đó, Ninh Bình có nhiều lợi thế lớn trong phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phát triển hệ thống đô thị, du lịch dịch vụ và công nghiệp của vùng duyên hải Bắc Bộ. 

Tuyệt tịnh cốc.

Cánh đồng dứa Tam Điệp.

Thứ năm, người dân Ninh Bình hiền hòa, mến khách, tốt bụng và nghĩa tình, vừa dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, vừa cần cù, chịu khó trong lao động, lại có ý chí quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Đây cũng là lợi thế to lớn của tỉnh Ninh Bình. 

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình.


Lắp ráp ô tô tại Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công (Khu công nghiệp Gián Khẩu).

Chế biến dứa xuất khẩu tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.


BÁO NINH BÌNH: Sự phát triển của tỉnh Ninh Bình trong hiện tại và tương lai đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì tỉnh Ninh Bình có thể bứt phá phát triển rất nhanh để trở thành tỉnh khá của khu vực đồng bằng sông Hồng. Theo đồng chí để tận dụng tốt thời cơ và không lỡ nhịp phát triển, Ninh Bình cần phải làm gì? 

TS. PHAN CHÍ HIẾU Theo tôi, để tận dụng được thời cơ và biến các giá trị bản sắc, di sản thành nguồn lực để phát triển, tỉnh Ninh Bình cần quan tâm thực hiện những việc sau đây: 

Thứ nhất, cần phải nhận diện thật rõ những giá trị cốt lõi, những đặc sắc riêng có và lợi thế cạnh tranh của Ninh Bình để phát huy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế để quyết tâm khắc phục, thay đổi nhằm tạo diện mạo, hình ảnh, sức hấp dẫn của tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh mới. 

Thứ hai, cần nghiên cứu xây dựng thương hiệu của Ninh Bình, chú trọng chiến lược marketing địa phương, gắn với truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa, phát huy ưu điểm của con người Ninh Bình. 

Thứ ba, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và môi trường sống, quyết tâm xây dựng Ninh Bình thành nơi đáng sống, đáng đầu tư để thu hút, giữ chân các nhà đầu tư, những người tài và khách du lịch. 

Thứ tư, quan tâm nghiên cứu, xây dựng chiến lược ngành Công nghiệp văn hóa - một lĩnh vực kinh tế liên quan đến việc sản xuất, tái tạo, lưu trữ và phân phối các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên nền tảng thương mại. Các cường quốc kinh tế trên thế giới đều là các cường quốc văn hóa, và sức mạnh mềm dựa trên vốn văn hóa của họ đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì tính cạnh tranh cao của các nền kinh tế này.

Đối với một số nước phát triển muộn hơn, nền công nghiệp văn hóa đã trở thành lực lượng chủ đạo trong chiến lược phát triển đất nước với một ví dụ rất rõ ràng và sinh động là Hàn Quốc. Ngay trong khu vực Đông Nam Á của chúng ta, Singapore và Thái Lan cũng dựa rất mạnh vào vốn văn hóa của mình để phát triển và cạnh tranh thành công trên phạm vi toàn cầu. Khu vực quần thể Cố đô Hoa Lư, với sự tập trung dày đặc các chứng tích lịch sử - văn hóa và các không gian cảnh quan thuận tiện cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật cộng đồng, có thể tạo ra các điều kiện lý tưởng cho việc phát triển nền công nghiệp văn hóa.

BÁO NINH BÌNH: Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã được Trung ương cho thí điểm về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xin đồng chí có thể chia sẻ thêm tỉnh Ninh Bình có đầy đủ các yếu tố để được áp dụng theo cơ chế đặc thù này hay không? 

TS. PHAN CHÍ HIẾU: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thí điểm các cơ chế đặc thù cho nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, thành phố Cần Thơ, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ninh Bình cũng là địa phương có nhiều lợi thế phát triển kinh tế - xã hội như nói ở trên. 

CLIP2

Theo tôi, những cơ chế đặc thù tập trung vào các nhóm trọng tâm sau đây: 

Nhóm 1: Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên. 

Nhóm 2: Các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực, thu hút các nhà đầu tư chiến lược làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững. 

Nhóm 3: Cho phép thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, nhãn sinh quyển. 

Nhóm 4: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù trong phân loại đô thị, phân loại di sản để bảo đảm các đô thị, di sản được UNESCO vinh danh không bị cuốn theo mô hình "đô thị, di sản nén" để vừa thúc đẩy đô thị hóa, hiện đại hóa nhưng lại phù hợp chức năng đô thị di sản, vừa giữ gìn, bảo tồn được các giá trị cốt lõi mà UNESCO vinh danh; cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm chuyển đổi sinh kế bền vững cho người dân trong các vùng di sản.

Đối với Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đây là dịp để Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tham gia sâu hơn, trực tiếp và cụ thể hơn vào việc tư vấn chính sách, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách, giải pháp phát triển đất nước và mỗi địa phương. 

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguồn: Báo Ninh Bình 

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?