Xây dựng Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025

Thứ Năm, 30/09/2021

(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn MPI

Vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bình quân trong 5 năm gần đây đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/1 năm, tăng 82% so với bình quân của giai đoạn 2011-2015; hiện có khoảng 31 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/1 năm, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.Trong giai đoạn 05 năm 2016-2020, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; khu vực doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp thành lập mới của cả nước đạt 10,5%/năm, tăng gấp hai lần so với giai đoạn 2011-2015; tốc độ gia tăng số doanh nghiệp hoạt động là 15%, tăng khoảng 80% so với giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp vẫn chưa phát huy được hết vai trò và tiềm năng. Các doanh nghiệp khu vực tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị doanh nghiệp chưa hiện đại, chưa tiệm cận với mặt bằng chung của thế giới, thiếu lao động có chất lượng cao, có kỹ năng, tay nghề; công nghệ lạc hậu, chưa làm chủ được các công nghệ mới và hiện đại; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; khả năng chống chịu, linh hoạt, chuyển đổi để đối phó với các thách thức từ bên ngoài còn yếu. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư chưa đảm bảo mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó gần đây nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được cộng đồng doanh nghiệp trong ngoài nước đánh giá cao. Đây là các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ những vấn đề cấp bách, ngắn hạn cho khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức kịp thời.

Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phát, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025.

Dự thảo nêu rõ quan điểm, định hướng là quán triệt thực thi đẩy đủ và hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển doanh nghiệp, trong đó khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế; bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và pháp luật; củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm khơi thông các điểm nghẽn, huy động, giải phóng các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Xây dựng tư tưởng, văn hóa phục vụ cho các cán bộ, cơ quan Nhà nước; lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Việc xây dựng thể chế, chính sách phải bảo đảm tính ổn định, nhất quán, dễ dự báo, rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và thực chất; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, an toàn và thân thiện, hài hòa với pháp luật quốc tế, đặc biệt là các cam kết, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập; xóa bỏ cơ chế xin cho; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch, hợp lý; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện hậu kiểm cũng như hoàn thiện các chế tài liên quan; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất các các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và chính sách.

Mạnh dạn thí điểm các giải pháp, chính sách, mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số mà pháp luật chưa quy định trên nguyên tắc bám sát tình hình thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thông lệ quốc tế tốt; kịp thời đánh giá, tổng kết quá trình thí điểm để thể chế hoá các giải pháp, chính sách, mô hình phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng, trong đó ưu tiên doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao.

Chú trọng và khuyến khích việc ứng dụng các nền tảng công nghệ, bao gồm công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác trong hoạt động của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong quá trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; kích cầu nội địa, thúc đẩy mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ tăng cường tiếp cận tài chính; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp; đào tạo, tư vấn nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành nghề lao động, lĩnh vực kinh doanh mới; hỗ trợ phục hồi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao hiệu quả hoạt động và khai thác dư địa của khu vực doanh nghiệp nhà nước./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?