Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng

Thứ Năm, 03/01/2019
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đã đưa ra nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, hạn chế cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đồng thời đảm bảo an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng.
Do đó, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đã có sự tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm (tháng 1 tăng 0,6%, tháng 2 tăng 0,62%, tháng 3 tăng 0,81% so với cuối tháng trước), tốc độ tăng dư nợ cho vay tăng cao hơn so với tốc độ tăng nguồn vốn.
 
Ước tính đến cuối tháng 3, tổng dư nợ ước đạt 1.632.724 tỷ đồng, có mức tăng trưởng tương đối tốt, tăng 2,04% so với cuối năm 2017 và tăng 18,04% so với cùng kỳ.
 
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 101.385 tỷ đồng, tăng 2,1%; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 525.178 tỷ đồng, tăng 2,18%; ...
 
Về cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kể từ đầu chương trình đến nay, cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 439.633 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 408.548 tỷ đồng. Lãi suất cho vay phổ biến 6-6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn; một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt vay vốn các ngân hàng thương mại lớn được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn.
 
Thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được đảm bảo. Các tổ chức tín dụng tiếp tục đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn, an toàn trong hoạt động ngân hàng, chú trọng quản trị rủi ro thanh khoản, nâng cao chất lượng tín dụng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Đến 28/02/2018, nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm khoảng 2,8% trong tổng dư nợ.
 
Trong quý I/2018, hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hà Nội hoạt động tương đối ổn định, tình hình kinh doanh phát triển tốt so với thời điểm cuối năm và cùng kỳ năm 2017.
 
Về tình hình thực hiện lãi suất, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất của NHNN. Lãi suất huy động trong quý I có biến động, tăng nhẹ nhưng mặt bằng tương đối ổn định do các tổ chức tín dụng triển khai các chương trình thu hút vốn tiền gửi thời điểm cận Tết Nguyên đán 2018.
 
Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,9 -5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 7-7,8%/năm.
 
Lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 8.5-9%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,5-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn được ưu đãi thấp hơn.
 
Nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đạt mức tăng trưởng khá. Lãi suất huy động ngoại tệ (USD) duy trì ở mức 0%/năm nên nguồn tiền gửi ngoại tệ tiếp tục xu hướng giảm. Một số NHTM có xu hướng tăng thu phí dịch vụ trong cùng hệ thống và liên ngân hàng, khiến nhiều người dân quan tâm đến mức thu phí của từng ngân hàng. Hiện mức phí tại các NHTM hiện nay không giống nhau và tùy theo chính sách của mỗi ngân hàng.
 
Cụ thể, ước tính đến cuối quý I/2018, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD ước đạt 2.684.465 tỷ đồng, tăng 1,76% so với 31/12/2017 và tăng khá so với cùng kỳ (+25,08%). Trong đó: tiền gửi tiết kiệm tăng 2,83%, tiền gửi thanh toán tăng 1,08%, tiền gửi VND tăng 1,9% và tiền gửi ngoại tệ giảm 1,53% so với cuối năm 2017. Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản suất, kinh doanh và đời sống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?