Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp

Thứ Năm, 03/01/2019
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang (KCN Phúc Sơn). Ảnh: Đức Lam
Đến nay, tại 7 KCN trên địa bàn tỉnh có 101 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng mức đầu tư đăng ký là 52.320 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký đạt 700 triệu USD. Năm 2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án, trong đó có 1 dự án đầu tư nước ngoài.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2016, doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 25.497 tỷ đồng (đạt 124% kế hoạch năm 2016), giá trị xuất khẩu đạt khoảng 800 triệu USD, nộp ngân sách đạt trên 3.300 tỷ đồng.
 
Hiện một số dự án ổn định sản xuất, tăng trưởng khá, doanh thu năm cao, có mức nộp ngân sách lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, nhà máy xi măng The Vissai, nhà máy xi măng Tam Điệp...
 
Các doanh nghiệp trong các KCN thu hút thêm 1.457 lao động, nâng tổng số lao động trong các KCN là 29.824 người với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.
 
Thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực thực hiện cải cách hành chính, trong đó đặc biệt coi trọng nhiệm vụ rút ngắn tối đa thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
 
Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thực hiện niêm yết công khai 39 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch xây dựng, môi trường, lao động trong đó có các thủ tục liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong KCN đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng như sản xuất, kinh doanh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tăng cường công tác hỗ trợ đầu tư, trong đó tiến hành làm việc, giải quyết kiến nghị về đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu giày dép của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Adora Việt Nam tại KCN Tam Điệp; thu hồi diện tích 1,5 ha của Công ty TNHH AMD21 Việt Nam không sử dụng để bàn giao cho Dự án nhà máy chế tạo tôn cán sóng triển khai thực hiện.
 
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã đôn đốc chủ đầu tư Dự án sản xuất đất hiếm Lacerama và Dự án xí nghiệp gia công cơ khí sản xuất cột điện và sửa chữa thiết bị điện thực hiện thanh lý tài sản, sớm tạo mặt bằng bàn giao cho Tập đoàn ôtô Thành Công, đồng thời phối hợp với Sở Xây dựng xác định địa điểm xây dựng khu nhà ở công nhân, bãi chứa xe thành phẩm của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.
 
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng có giải pháp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định điện, nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp. Duy trì các kênh đối thoại, thường xuyên liên hệ, tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần ổn định sản xuất của các dự án trong KCN.
 
Đồng chí Hoàng Đức Long, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Bên cạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, Ban Quản lý đã chủ động rà soát, đôn đốc các dự án chậm tiến độ, thực hiện theo đúng tiến độ đăng ký, chủ động tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh.
 
Riêng đối với các dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, đã đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần, nhưng chủ đầu tư không thực hiện nghiêm chỉnh, tỉnh đã chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
 
Cụ thể, trong số 55 dự án được rà soát, có 49 dự án đã và đang triển khai đúng tiến độ; 2 dự án chậm tiến độ; 4 dự án chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục bổ sung mục tiêu, ngành nghề đầu tư.
 
Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, chuyển đổi mục tiêu đầu tư theo đúng các quy định hiện hành, đồng thời bám sát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết.
 
Trong thời gian tới, với những định hướng về thu hút đầu tư của tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã xác định rõ mục tiêu, định hướng và các nội dung hoạt động cụ thể, trong đó thu hút đầu tư vào lĩnh vực trọng tâm như công nghệ cao, công nghệ sạch, các dự án có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường là mục tiêu, định hướng cơ bản.
 
Qua đó, các KCN trong tỉnh sẽ tập trung thu hút đối tác, nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn sắp tới để xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đối với các tập đoàn, các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các công ty vừa và nhỏ đối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước.

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?