Nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay

Thứ Năm, 30/03/2023

Sau thời gian dài bị tác động của dịch bệnh và tình hình chính trị, kinh tế thế giới, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều có nhu cầu về vốn để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau việc tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Ngân hàng Ninh Bình đang triển khai đó là hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Hoạt động giao dịch tại Agribank huyện Nho Quan.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh, tính đến hết tháng 2, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.930 DN vay vốn các chi nhánh ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng dư nợ trên 62.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 56%/tổng dư nợ của các NH, TCTD. Trong đó, dư nợ cho vay DN lớn chiếm 75%/tổng dư nợ cho vay DN, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa chiếm 25%/tổng dư nợ cho vay DN.  

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng các DN vẫn khát vốn, mối quan hệ giữa DN và ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Về phía NH, trong hai tháng đầu năm 2023, nguồn vốn huy động tăng chậm hơn dư nợ tín dụng. Nguồn vốn huy động trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được trên 50%/tổng dư nợ cho vay của các NH, TCTD, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn chỉ chiếm trên 20% tổng nguồn vốn huy động. Việc phải sử dụng các nguồn vốn bổ sung khác có chi phí cao hơn nguồn vốn tự huy động cũng gây khó khăn về tài chính cho các NH, TCTD trên địa bàn tỉnh.  

Đối với DN, HTX khó tiếp cận với nguồn vốn vay là do thiếu các điều kiện pháp lý, tài sản bảo đảm để vay vốn. Năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành còn nhiều hạn chế so với yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc tuân thủ quy định về hạch toán, kế toán, báo cáo tài chính nhìn chung chưa nghiêm túc. Thông tin tài chính của các DN thiếu chính xác, hầu hết báo cáo tài chính không được kiểm toán, gây khó khăn cho NH trong công tác thẩm định để xác định hạn mức cho vay. Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh, xung đột địa chính trị trên thế giới làm cho lạm phát tăng cao, một số DN trong nước bị đứt gẫy chuỗi cung ứng, cắt giảm đơn hàng, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tiếp cận tín dụng NH.     

Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh cho biết: Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên (xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa) và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (đầu tư trái phiếu DN; đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản…); tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng NH. Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

NHNN tỉnh cũng triển khai đến các chi nhánh NHTM trên địa bàn văn bản của Hiệp hội NH về việc đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tiền gửi và cho vay hỗ trợ DN. Theo đó, mức lãi suất huy động VND cao nhất ở tất cả các kỳ hạn không vượt quá 9,5%/năm; giảm từ 0,5-2%/năm lãi suất cho vay, tùy từng đối tượng để hỗ trợ DN. 

Bắt đầu từ ngày 6/3/2023, các NHTM trên địa bàn tỉnh đã đồng thuận giảm từ 0,2-0,5%/năm đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng so với mức lãi suất niêm yết. Việc giảm lãi suất huy động nhằm giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN và nền kinh tế.

Cùng với công cụ về lãi suất, NHNN chỉ đạo các TCTD trên địa bàn hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn. Đặc biệt vừa qua NHNN Chi nhánh tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn nhằm đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.   

Tại hội nghị đại diện một số NH trên địa bàn tỉnh cho biết đơn vị đang tìm cách tiếp cận DN, tìm hiểu khó khăn để đẩy mạnh cho vay với nhiều gói vay hấp dẫn. "Agribank Chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chương trình tín dụng về ưu đãi lãi suất nhằm thu hút và mở rộng mối quan hệ đối với khách hàng doanh nghiệp như: Chương trình tín dụng đối với khách hàng FDI; chương trình tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình ưu đãi tài trợ khách hàng xuất nhập khẩu. Hiện tại, Agribank Chi nhánh tỉnh Ninh Bình có thêm chương trình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Agribank Chi nhánh tỉnh Ninh Bình đảm bảo cung ứng đủ vốn cho DN có nhu cầu, đáp ứng đủ các điều kiện". ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết.

Theo ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh, ngoài giải pháp trên, trong năm 2023 ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính Phủ; Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn; luôn luôn thường trực đường dây nóng, lắng nghe và giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với chi phí hợp lý.

Bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ, của ngành NH và của các sở, ngành của tỉnh, các DN cũng phải định hướng lại chiến lược kinh doanh, xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, quản trị tài chính hiệu quả, phù hợp với từng thời điểm của nền kinh tế; tiết kiệm chi phí tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết và hợp tác của DN, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. 

Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa phải có những giải pháp của riêng mình là tự đánh giá, cơ cấu lại cho phù hợp với đặc thù và điều kiện của từng DN, nâng cao năng lực quản trị điều hành, sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động, không phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay các NH.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nguồn: baoninhbinh.org.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?