Một Hiệp định mang nhiều ý nghĩa chính trị, kinh tế

Thứ Năm, 03/01/2019
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng của các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á-Âu ký kết tại Kazakhstan. Đây là Hiệp định mang nhiều ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban thường trực Liên minh Kinh tế Á-Âu Viktor Khristenko. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cụ thể, ý nghĩa về chính trị, Liên minh Kinh tế Á-Âu có dân số 170 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ, hướng tới một không gian kinh tế thống nhất. Việc ký kết Hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, đặc biệt là trong việc thực hiện quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Liên bang Nga, nước có vai trò dẫn dắt trong Liên minh.
 
Đối với Liên minh, Việt Nam, nước có vị thế quan trọng trong ASEAN, trở thành nước đầu tiên trên thế giới ký Hiệp định FTA. Việc ký kết Hiệp định VCUFTA là một trong những ưu tiên hàng đầu của Liên minh về hội nhập kinh tế với thế giới trong giai đoạn hiện nay, qua đó Liên minh kỳ vọng sẽ mở rộng được quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực Đông Nam Á trong Chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
 
Về mặt kinh tế, việc thực hiện cắt giảm theo các cam kết FTA nói chung, trong đó có Hiệp định, sẽ có tác động giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó làm gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, góp phần có tác động lan tỏa đa chiều trong toàn bộ nền kinh tế, trong đó có việc tăng thu ngân sách Nhà nước từ các sắc thuế nội địa khác, tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng tính chủ động của nền kinh tế.
 
Trong giai đoạn tới, khi thực hiện Hiệp định, việc phía Liên minh xóa bỏ thuế ngay đối với nhiều nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn của Việt Nam sang Liên minh như dệt may, giày dép, nông sản, thủy sản, hàng điện tử… sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đồng thời góp phần tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
 
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu không nhiều từ Liên minh, chủ yếu tập trung vào xăng dầu, sắt thép và Việt Nam đang xuất siêu. Phần lớn các hàng hóa mà Việt Nam và Liên minh trao đổi với nhau là mang tính hỗ trợ bổ sung, không cạnh tranh nhau. Dự kiến, sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, một số mặt hàng của Liên minh sẽ cạnh tranh với hàng hóa của các đối tác khác trên thị trường Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam có thêm lựa chọn về chủng loại, giá cả.
 
Ngoài ra, trong quá trình đàm phán Hiệp định, hai bên cũng đã đạt được các mục tiêu của mình. Về phía Việt Nam, đó là mục tiêu mở rộng cơ hội thị trường cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên Liên minh, từ đó có thể thâm nhập sang các nước thuộc Liên Xô cũ. Tiếp đến là mục tiêu thu hút đầu tư trong những lĩnh vực phía Liên minh có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, chế tạo máy, hóa chất... Đồng thời, thông qua Hiệp định, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước Liên minh về công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí... Ngoài ra còn mở rộng cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường các quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh, đặc biệt là củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
 
Về phía Liên minh, tham gia đàm phán Hiệp định là mong muốn mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và đầu tư với Việt Nam, một nước có quan hệ hợp tác truyền thống, tin cậy từ lâu đời. Thông qua FTA với Việt Nam để mở rộng thị trường sang các nước khu vực ASEAN nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung. Tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam sẽ là bước đi ban đầu để Liên minh có cơ sở trước khi xem xét, quyết định việc mở rộng quan hệ thương mại tự do với các nước khác.
 
Có thể khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với các linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên; là bước đột phá cho quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên Liên minh. Cùng với các FTA khác, Hiệp định sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước khác thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG), mà nhiều nước trong số đó đang tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Liên minh

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?