Lợi nhuận doanh nghiệp du lịch dần cải thiện

Thứ Năm, 17/02/2022

Mở hướng kinh doanh mới, đầu tư tài chính, tiết giảm chi phí… giúp nhiều doanh nghiệp du lịch cải thiện lợi nhuận trong quý cuối năm 2021.

Trong quý IV/2021, Công ty Tiếp thị và Du lịch Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel - VTR) báo lãi 228 tỷ đồng. Sau 4 quý liên tiếp thâm hụt lợi nhuận, đây là lần đầu tiên đại gia du lịch ghi nhận con số dương.

Tương tự, Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality - VNG) báo lãi khoảng 1,2 tỷ đồng. Con số này đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ hơn 21 tỷ đồng của quý IV/2020, dù thấp hơn quý liền trước và còn rất thấp so với quy mô của doanh nghiệp chủ quản Khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu (Đà Lạt).

Cũng chuyển lỗ thành lãi, Công ty cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH) công bố lợi nhuận khoảng 25 tỷ đồng. So với cùng kỳ và quý liền trước, lợi nhuận của chủ quản một trong những khách sạn lớn nhất Thái Nguyên, thêm lần lượt 56,5 tỷ đồng và 10,5 tỷ đồng.

Tuy vẫn lỗ trong quý cuối năm, Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Bến Thành (BenThanh Tourist - BTV) và Công ty cổ phần Du lịch - Dịch vụ Hội An (HoiAn Tourist - HOT) đã hạ mức thâm hụt lợi nhuận xuống lần lượt gần 44% và 57% so với cùng kỳ. Mức lỗ này cũng giảm đáng kể so với quý III/2021.

Khách du lịch tham quan một điểm đến tại TP HCM vào đầu tháng 11/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Mẫu số chung cho việc lợi nhuận nhiều doanh nghiệp du lịch cải thiện là nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu. Kỳ này, BenThanh Tourist giảm lỗ chủ yếu nhờ mạnh tay cắt giảm các chi phí thường xuyên. Doanh nghiệp cắt 41% chi phí bán hàng và 34% chi phí quản lý doanh nghiệp, chủ yếu nhờ hạ chi phí nhân viên.

Kết hợp cả tái cơ cấu và tận dụng điều kiện khách quan, Vietravel cho biết tình hình dịch bệnh dần được được kiểm soát trong quý cuối năm, hoạt động kinh doanh của công ty cũng có những chuyển biến khả quan khi lãi gộp hơn 56 tỷ đồng. Đồng thời, công ty cũng đã cơ cấu lại các khoản đầu tư tài chính nên đại gia ngành du lịch gom về 360 tỷ đồng doanh thu.

Với Tập đoàn Khách sạn Đông Á, doanh nghiệp này chọn mở thêm ngành nghề kinh doanh là xây dựng, san lấp mặt bằng và kinh doanh thương mại, vật liệu xây dựng. Tiền thân là đơn vị hoạt động lâu năm trong ngành xây dựng, doanh nghiệp đã nhận về nhiều hợp đồng có lợi nhuận cao. Ngoài ra, Khách sạn Đông Á Plaza (Thái Nguyên) từ quý trước đã đẩy mạnh kinh doanh lưu trú cho chuyên gia tại các khu công nghiệp, đã đóng góp tốt cho doanh thu.

Trong khi đó, HoiAn Tourist tìm lối đi trong thị trường đón công dân từ nước ngoài hồi hương và cách ly có thu phí tại Khách sạn Hội An và Hoi An Beach Resort. Nhờ đó, doanh thu quý IV/2021 tăng 170% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chọn giải pháp thanh lý tài sản cố định tại các đơn vị thành viên nhằm giảm lỗ.

Bên cạnh việc linh hoạt kinh doanh như chuyển đổi khách sạn đón khách cách ly hay phục vụ cơm văn phòng tận nơi, TTC Hospitality kỳ này lãi nhờ hoạt động tài chính sau khi tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong quý IV/2021, doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến hơn 14 lần lên 62 tỷ đồng, chủ yếu từ bán các khoản đầu tư và chứng khoán kinh doanh. Nguồn tiền này có ý nghĩa rất lớn cho doanh nghiệp khi doanh thu giảm 70% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận gộp về mức âm 21,5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều điều kiện vĩ mô thuận lợi, đà cải thiện sức khỏe doanh nghiệp của ngành du lịch được dự đoán khả quan trong năm nay. Chứng khoán KB (KBSV) kỳ vọng ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ phục hồi, tuy chưa thể như giai đoạn trước dịch. Đơn vị này lạc quan khi các đường bay nội địa và quốc tế đang được mở lại theo lộ trình của Bộ Giao Thông. Thời gian qua, Thủ tướng đã đồng ý khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với Bắc Kinh, Quảng Châu, Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, San Francisco, Los Angeles...

Bên cạnh đó, du lịch nội địa hoạt động trở lại từ quý IV/2021 cũng là cơ sở cho kỳ vọng của KBSV. Chỉ số Google Mobility (chỉ số thể hiện xu hướng di chuyển của cộng đồng) cũng đang nhích lên so với mức thấp cuối tháng 9 năm ngoái.

Thống kê mới đây của Tổng cục Du lịch cũng chỉ rõ du lịch nội địa đang ngày càng sôi động. Trong 9 ngày Tết, 35 địa phương là các điểm đến du lịch hàng đầu cả nước đón khoảng 6,2 triệu lượt khách. Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... dẫn đầu về lượng khách với hàng trăm nghìn người.

Tất Đạt

Nguồn: vnexpress.net

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?