Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ Ba, 19/01/2021

Chiều 08/01, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016-2020) và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Ninh Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trong tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, với phương châm hành động “trí tuệ, bản lĩnh, đổi mới, phát triển” xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước; qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 5 năm qua. Công tác tham mưu, xây dựng thể chế đã thể hiện vai trò tiên phong của Bộ trong việc chủ động đề xuất cải cách, đổi mới hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách, nhất là thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh,… Bộ đã từng bước triển khai các giải pháp quản lý hiệu quả hơn toàn bộ quá trình đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công gắn với trách nhiệm của từng cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, nâng cao tỷ lệ giải ngân. Đổi mới mạnh mẽ công tác kế hoạch hóa đầu tư công đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới công tác phối hợp với các địa phương theo hướng làm kế hoạch theo vùng, theo nhóm tỉnh nhằm nâng cao sự phối hợp, hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương. Công tác xây dựng cơ chế, chính sách về đổi mới và phát triển doanh nghiệp giai đoạn vừa qua tiếp tục được Bộ đặc biệt quan tâm, Bộ đã tham mưu ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư, doanh nghiệp, huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA) đã góp phần tích cực thay đổi môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, mở rộng, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đối với tỉnh Ninh Bình, qua 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, kinh tế của tỉnh phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh; các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển; tiềm năng, thế mạnh của dịch vụ được phát huy; sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, phong trào xây dựng nông thôn mới và thu ngân sách đạt kết quả cao. Cụ thể, tăng trưởng GRDP đạt 8,03%, tốc độ tăng trưởng đạt 13,78%; xuất khẩu đạt 2380 triệu UsD; thu ngân sách đạt hơn 19.100 tỷ đồng vượt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được quan tâm; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai, trong đó: Thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới; Chủ động nghiên cứu, đề xuất những chính sách cụ thể để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 phù hợp với diễn biến thực tiễn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong việc điều hành hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để kích thích tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Bên cạnh đó, triển khai tốt các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực và giảm chi phí dịch vụ logistics; thúc đẩy triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ để khai thác và tận dụng các ưu đãi, nhất là việc hỗ trợ doanh nghiệp kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớ,; hoàn thiện cơ chế, chính sách để sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện; nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã; phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường; tăng cường đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, để hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia phục vụ quản lý, điều hành.

Nguồn: ninhbinh.gov.vn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?