Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ Hai, 13/02/2023

Sáng 12/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".

Quang cảnh hội nghị.

Cùng tham dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thuộc vùng; các Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Về phía tỉnh Ninh Bình, dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Du lịch, Công thương, Ban quản lý các KCN tỉnh...

Các đại biểu tỉnh Ninh Bình dự hội nghị.

 Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 14 được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới. 

Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa các chỉ tiêu phấn đấu và kế hoạch hành động của từng bộ, ngành, địa phương: phấn đấu đến năm 2030, tăng trưởng GRDP bình quân toàn khu vực giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm.  Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm.

Đối với tỉnh Ninh Bình, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định tập trung làm tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm. 

Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng; chuyển dịch cơ cấu lao động; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối phía Tây Nam tỉnh, sớm hoàn thành tuyến đường Đông - Tây, đường kết nối ven biển, làm động lực mạnh mẽ cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất cố đô Hoa Lư, quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An.

Phát triển toàn diện giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân; chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát; không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Đối với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, tỉnh đã tập trung đổi mới toàn diện hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng đa chiều, đa phương thức, thực chất và hiệu quả, chú trọng đến hiệu quả các dự án và chất lượng tăng trưởng, hướng tới sự phát triển bền vững.

Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp làm việc, trao đổi với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng nhằm tập trung thu hút doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các dự án khu đô thị, thương mại, dịch vụ, khu vui chơi giải trí cao cấp...; đã tổ chức thành công hội nghị gặp gỡ, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh tại thành phố Hồ Chí Minh, hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tokyo, Nhật Bản; trực tiếp tiếp xúc, làm việc với nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn. 

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp, định kỳ hằng tháng lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị và xem xét giải quyết, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo phương châm "chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp".

Tại hội nghị, các báo cáo và ý kiến tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Nghị quyết 30-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng; đồng thời khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để triển khai Nghị quyết 30 và Chương trình hành động của Chính phủ; từ đó khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

 Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất với các báo cáo và ý kiến phát biểu, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Trong đó, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Với diện tích tự nhiên 21.278 km², (chiếm 6,41% tổng diện tích cả nước), vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước. 

Vùng cũng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Dù đạt được nhiều thành tựu nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ băn khoăn, trăn trở về những khó khăn, thách thức còn tồn tại cản trở cho sự phát triển của vùng đó là: KT-XH phát triển chưa đồng đều, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương; hạ tầng giao thông, du lịch còn yếu; hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường còn bất cập; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Phát triển văn hóa - xã hội, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu...

Với quyết tâm biến vùng đất này thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, Thủ tướng nêu rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ là quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bám sát thực tiễn để triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; thống nhất nhận thức và hành động, có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất. 

Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ. 

Tập trung hoàn thiện thể chế, quy hoạch vùng và chính sách liên kết vùng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển, dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng; Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, đầu tư, phát triển KHCN. Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao.

Phát huy vai trò là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. 

Sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước; thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.

Cùng với việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 Vùng đồng bằng sông Hồng, hội nghị còn có các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng đồng bằng sông Hồng.

 Đánh giá cao sự có mặt của nhiều nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "hợp tác và phát triển" trong thu hút đầu tư. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương quán triệt tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết. 

Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá để tăng cường thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường công khai, minh bạch, đối thoại, kịp thời giải quyết; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón làn sóng đầu tư mới, nhất là các dự án có tính lan tỏa cao.

Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần hợp tác cùng có lợi, đẩy mạnh đầu tư vào vùng. 

Đồng thời, có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thỏa thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp Việt Nam. Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần "Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của Vùng đồng bằng sông Hồng thành những sản phẩm, công trình cụ thể, giá trị cụ thể, đo lường được, tạo động lực phát triển.

Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã được trao quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cũng đã đã ký biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác cung cấp vốn cho các dự án phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng với tổng số 20 dự án, tổng quy mô vốn hơn 2,6 tỷ USD, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ lễ công bố đã diễn ra lễ trao 30 văn kiện là các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án, Quyết định chủ trương đầu tư các dự án, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ USD) của các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng.

Đại diện tỉnh Ninh Bình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã trao Biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lâm Capital, tổng vốn đầu tư khoảng 600 tỷ đồng.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc trao Biên bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lâm Capital.

Nguồn: http://baoninhbinh.org.vn/

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?