Doanh nghiệp muốn vay vốn lãi suất khoảng 4% một năm

Thứ Năm, 25/11/2021

Các doanh nghiệp cho biết đang chờ đợi một gói kích cầu tổng thể, trong đó có gói vay lãi suất rẻ hơn hiện tại 3-4% để giúp họ hồi phục sức khoẻ sau đại dịch.

Hiện mức vay phổ biến của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Nội được đánh giá có "sức khoẻ" tốt dao động 6-8% một năm. "Các doanh nghiệp muốn được vay vốn rẻ hơn và rất mong có tiền tươi đến với họ", ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội nói với VnExpress tại cuộc họp về lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Thăng Long 2021, ngày 24/11.

Chương trình khôi phục kinh tế tổng thể đã được Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thiện, trình Chính phủ cho ý kiến. Quy mô gói kích thích kinh tế này chưa được "chốt", song theo nhiều chuyên gia có thể lên tới 800.000 tỷ đồng (tương đương 35 tỷ USD, khoảng 10% GDP). Nhưng ở quy mô nào thì việc "cần có tiền tươi thóc thật" hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng đang được các doanh nghiệp chờ đợi.

Nói về chính sách để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau những tổn hại từ đại dịch, ông Anh cho rằng, nhà chức trách nên tính toán và ưu tiên hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội. Ảnh: Ngọc Minh

Chẳng hạn tại Hà Nội, trong số hơn 318.000 doanh nghiệp, có khoảng 98% là vừa và nhỏ. Dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn... bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc bị ngừng hoạt động.

Theo ông Anh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong mỏi được miễn thuế, phí hơn là giãn, hoãn như trước đây. Về lãi suất, họ cũng muốn được vay với mức lãi rẻ hơn hiện tại, khoảng 3-4% để duy trì dòng vốn hoạt động.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội phân tích thêm, với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng thì vốn, dòng tiền là "máu" của họ, nên tất cả đều mong muốn tới đây sẽ được vay với mức lãi suất rẻ hơn để phục hồi hoạt động.

Chẳng hạn, nếu được vay với mức lãi khoảng 4% một năm trong gói hỗ trợ kích thích kinh tế, doanh nghiệp vừa có thêm nguồn tiền, sản phẩm cũng cạnh tranh hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi về giá.

Kỳ vọng về gói kích thích phục hồi lần này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, đây sẽ là luồng ôxy mới kích thích, hồi phục sức khoẻ doanh nghiệp. Theo vị CEO này, trải qua các đợt dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp gần như cạn. Vì thế, họ rất cần sự trợ lực vốn rẻ hơn từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

"Việc hỗ trợ trực tiếp tới người dân là giải pháp tức thời, nhưng trong dài hạn rất cần gói kích thích gián tiếp, cho vay lãi suất rẻ. Doanh nghiệp có thêm nguồn lực, phát triển thì người dân có việc làm, thu nhập", ông nói.

Trong các thảo luận gần đây về chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế tổng thể, giới chuyên gia cũng lưu ý, ngoài mức lãi suất vay hợp lý, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tới đây cần theo hướng tập trung hơn, hỗ trợ thực chất hơn. Các gói vay hỗ trợ cần đơn giản những thủ tục về quy trình để phần đông doanh nghiệp cần vốn có thể vay được.

Ông Quốc Anh cũng đồng tình khi cho rằng các điều kiện cho vay "cần giảm thiểu ở mức tối đa" để doanh nghiệp tiếp cận. Theo ông, hai năm qua các doanh nghiệp đã gần cạn sức chống chọi với dịch. Nếu quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là điều kiện cho vay quá khắt khe như yêu cầu phải có tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi hay không bị nợ xấu... sẽ rất khó có doanh nghiệp đảm bảo, vay được vốn.

Trong lúc chờ đợi những quyết sách hỗ trợ từ phía chính quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho hay, bản thân các doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình như cơ cấu lại ngành nghề, cơ cấu lại đầu tư... để tồn tại sau dịch.

Nhằm động viên những doanh nghiệp Thủ đô vượt khó trong đại dịch, chương trình tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long năm 2021 sẽ được tổ chức ngày 27/12 tới, với sự tham gia của khoảng 200 doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu. Lễ tôn vinh này là sự kết nối giữa chính quyền thành phố và hiệp hội, doanh nghiệp và người dân, từ đó tạo sức mạnh đoàn kết vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ phát triển trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Anh Minh

Nguồn: https://vnexpress.net/

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?