Ba mô hình chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thích ứng bối cảnh mới

Thứ Năm, 25/11/2021

Doanh nghiệp có thể áp dụng 3 cách: đẩy, kéo và nhảy; tương ứng chuyển đổi số ở quy trình, dịch vụ hay cả mô hình kinh doanh, theo chuyên gia Trương Gia Bảo.

Phân tích theo chiều sâu, ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch liên minh chuyển đổi số DTS cho biết chuyển đổi số kiểu "đẩy" tập trung xem xét và điều chỉnh quy trình hoạt động. Áp dụng mô hình này, các thành viên trong công ty buộc thay đổi tư duy, tương tác khách hàng theo cách phù hợp với khả năng kỹ thuật số được cải thiện.

Chuyển đổi số kiểu "kéo" tập trung cách mạng hóa trải nghiệm của khách hàng như một phương thức truyền cảm hứng cho toàn bộ quy trình ở các bộ phận khác - ít nhìn thấy hơn nhưng cũng không kém phần quan trọng.

Mô hình "nhảy" khác với hai cách đầu tiên, không dẫn dắt từ phía sau hay phía trước mà cần hình dung ra một bối cảnh kỹ thuật số toàn diện, mọi bộ phận đồng loạt thay đổi. Đối với một số doanh nghiệp, đây là cách khó nhất để chuyển đổi và hiện đại hóa công nghệ, tư duy hoặc mô hình kinh doanh vì nó có thể dẫn đến sự gián đoạn nhiều nhất. Chưa kể, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp có thể mất một phần doanh thu vì mọi hoạt động ngưng trệ.

"Không có cách nào là tốt hơn hay tốt nhất. Nó phụ thuộc vào mục tiêu, nguồn lực và mức độ phù hợp với từng doanh nghiệp. Lời khuyên đầu tiên của chúng tôi là hãy học hỏi về chuyển đổi số trước khi thực hiện bất kỳ sự chuyển đổi nào, sau đó doanh nghiệp có thể áp dụng một trong ba cách tiếp cận trên: đẩy, kéo hoặc nhảy", ông Trương Gia Bảo nhấn mạnh.

Xu hướng tất yếu trong "bình thường mới"

Chủ tịch DTS khẳng định tất cả doanh nghiệp cần phải chấp nhận chuyển đổi số để tồn tại trong thập kỷ này.

Nguyên nhân đến từ bối cảnh thị trường hiện nay. Hậu Covid-19, môi trường kinh doanh thay đổi, chứa nhiều bất ổn; nhu cầu và hành vi của khách hàng cũng khác trước đây; đối thủ cạnh tranh cũng nỗ lực làm mới mỗi ngày.

Bài toán lớn nhất của các doanh nghiệp là làm sao phục hồi trước những thách thức bất ngờ, song song hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng. Đáp ứng yêu cầu này, doanh nghiệp cần có những kế hoạch và chiến lược linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh ngắn hạn, các diễn biến bất ngờ, tập trung vào dòng tiền, tăng doanh thu và kiểm soát tốt chi phí. Đây cũng là thời điểm mỗi đơn vị cần đánh giá dữ liệu khách hàng và có chiến lược phát triển tập người dùng phù hợp.

Quan trọng hơn, theo ông Bảo, ứng dụng các giải pháp và công nghệ chuyển đổi số có thể tăng cường năng lực cạnh tranh, tối ưu chi phí lẫn nguồn lực.

Dễ thấy nhất, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng mức độ phục hồi khi đối mặt với những thách thức bất ngờ. Ví dụ thời gian qua, một số nhà hàng, quán ăn tuy mở cửa lại nhưng vẫn lỗ đều vì khách hàng không còn chuộng việc ăn uống ở bên ngoài nữa. Thấy vậy, người bán nhanh chóng chuyển dịch lên nền tảng online, sử dụng ứng dụng đặt thức ăn và giao hàng để duy trì được một nhóm khách ổn định. Nếu dịch bệnh có bùng phát trở lại hoặc khi được mở cửa phục vụ 100% công suất, nhà hàng đó sẽ cạnh tranh tốt hơn.

Các công ty hoàn tất chuyển đổi số hoạt động hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao hơn nhờ khả năng bắt kịp với các nhu cầu mới của khách hàng. Đơn cử việc đưa công nghệ blockchain vào các mô hình kinh doanh truyền thống như ứng dụng tập thể dục, nền tảng giới thiệu việc làm hay học trực tuyến, từ đó khai sinh những mô hình mới như đốt calo để kiếm tiền "burn to earn", kết nối để kiếm tiền "connect to earn", học để kiếm tiền "learn to earn".

Ông Trương Gia Bảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyển đổi số: cấp thiết nhưng cần thận trọng

Hiện nay, một số tổ chức nhanh chóng đầu tư khi nhận ra nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi số và nền tảng công nghệ. Tuy vậy, ông Bảo đưa ra lời khuyên hãy thận trọng với kế hoạch chi tiêu vốn. Cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số một cách cẩn trọng với sự hiểu biết và tầm nhìn dài hạn về những gì cần cải thiện trong doanh nghiệp, sự thay đổi của thị trường, mô hình kinh doanh mới.

Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp, Liên minh Chuyển đổi số DTS đã phối hợp cùng nhiều hiệp hội và đối tác tổ chức loạt chương trình phổ cập kiến thức, đào tạo chuyên sâu.

DTS cũng phát triển các công cụ khảo sát năng lực số và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đào tạo về thương mại điện tử và chuyển đổi số. Hiệp hội xây dựng nền tảng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp dễ dàng bán hàng số, tư vấn và kết nối với các đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số, truyền thông...

Đơn vị vừa trao suất học bổng Casugol-DTS có giá trị 6.700 USD cho ông Huy Nguyễn - đồng sáng lập kiêm CTO KardiaChain Foundation. Ông Huy Nguyễn là top 10 CTO của chương trình bình chọn "Lãnh đạo Công nghệ trẻ 2021" do báo VnExpress tổ chức.

Học bổng Casugol-DTS bao gồm các khóa học Chuyên gia chuyển đổi số (CDTP) và Phân tích dữ liệu (DAE), giúp lãnh đạo đơn vị phát triển kỹ năng, cung cấp những hiểu biết mới và thúc đẩy sự sáng tạo.

"Chuyển đổi số doanh nghiệp phải bắt đầu từ lãnh đạo. Trọng tâm chính của chương trình học bổng là giúp các nhà lãnh đạo hiểu, lập kế hoạch, dẫn dắt và quản lý quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Chương trình cũng giúp thiết kế các mô hình kinh doanh tập trung vào kỹ thuật số để có thể đạt được kết quả tài chính tốt hơn và giải quyết các nhu cầu trong tương lai", ông Trương Gia Bảo nói.

Minh Tú

Nguồn: vnexpress.net

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?