Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp

Thứ Sáu, 04/11/2022

Ngày 3/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp. Đây là nội dung thuộc đề tài Khoa học và công nghệ cấp tỉnh "Nghiên cứu đề xuất giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp và du lịch tỉnh Ninh Bình"

Đồng chí Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ nhiệm đề tài trình bày tại hội thảo.

Tham dự có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo một số UBND huyện, thành phố; các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đồng chí Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ nhiệm đề tài trình bày thực trạng phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2020. 

Theo đó, nhìn chung các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh giai đoạn vừa qua tương đối đầy đủ, đồng bộ, kết hợp với lợi thế về địa hình, tài nguyên thiên nhiên nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá cao. 

Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 18,1%; năm 2020, GRDP ngành công nghiệp đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng GRDP của toàn tỉnh, đóng góp trên 50% tổng thu nội địa tỉnh. Sản phẩm có đóng góp lớn cho ngành công nghiệp là chế biến, chế tạo ô tô, camera modul, linh kiện điện tử... Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định: huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội với công nghiệp dịch vụ, công nghệ cao, công nghệ sạch...; phấn đấu tốc độ tăng tưởng GRDP ngành công nghiệp giai đoạn  2020-2025 đạt 11,4%. 

Để đạt được những mục tiêu này, nhóm tác giả đề tài đề xuất các giải pháp chính để ưu tiên, đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh. Đó là: Tăng cường thu hút đầu tư thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh phát triển quy hoạch, huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động của các khu, cụm công nghiệp, chú trọng bảo vệ môi trường; đổi mới công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp, chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số về phát triển công nghiệp; phát triển hệ thống logistic...

Tại hội thảo, các ý kiến đều đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài và cơ bản đồng tình với những đánh giá về thực trạng và giải pháp phát triển công nghiệp nêu trong tài liệu. 

Để đề tài hoàn thiện hơn, các đại biểu cũng trao đổi, làm rõ một số nội dung, số liệu, từ ngữ đảm bảo tính thống nhất, chính xác. 

Một số ý kiến đề nghị, nhóm tác giả cần làm rõ thêm mối tương quan giữa công nghiệp và du lịch; ngoài hạ tầng logistic cần đánh giá thêm về chất lượng, năng suất, hiệu quả vận hành, quản trị logistic. 

Trong phần giải pháp cần sắp xếp lại nội dung theo thứ tự ưu tiên và nên đưa thêm vấn đề đào tạo nguồn nhân lực hay như xây dựng các khu công nghiệp chuyên sâu vào...

Nguyễn Lựu - Anh Tuấn

Theo bạn, Môi trường đầu tư của Ninh Bình như thế nào ?